Chính quyền Trịnh Kiểm

Năm 1546, Trịnh Kiểm rút binh về Thanh Hóa, lập hành điện cho vua Lê Trang Tông ở sách Vạn Lại (huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa), rồi chiêu mộ anh hùng hào kiệt, huấn luyện quân sĩ, tích trữ lương thảo tính kế đánh họ Mạc. Nước Đại Việt lúc này chia làm hai, từ Thanh Hóa trở vào nam thuộc Nhà Lê do Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh; từ Sơn Nam trở ra thuộc về họ Mạc, tức Bắc triều. Mỗi khi có việc đánh dẹp, đều do Trịnh Kiểm thống lĩnh, đánh đâu được đấy. Do vậy, các hào kiệt đất Hoan, Diễn (Nghệ An), Ô (Thừa Thiên, Huế), Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng) đua nhau tới theo, đất Ái Châu (Thanh Hóa) yên dần.[18]

Thời vua Lê Thái Tổ, chia cả nước làm 5 đạo: Đông đạo, Nam đạo, Tây đạo, Bắc đạo và Hải Tây đạo. Đến đời vua Lê Thánh Tông, mới chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi Nhà Lê, cả nước thuộc về họ Mạc, chỉ trừ 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật chiếm cứ, đến khi Nguyễn Kim khởi binh, chiếm được đất Ái châu (Thanh Hóa), rồi lần lượt chiếm các đất phía Nam, châu Hoan, Diễn, Ô Lý (Nghệ An, Thuận Hóa). Lúc ấy nước Việt chia làm hai, do hai vương triều Mạc và Lê trung hưng nắm giữ, ngoài ra còn 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật đứng đầu đi theo phe Nhà Lê - Trịnh.[19][20]

Theo sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, quyền lực hoàn toàn thuộc về Trịnh Kiểm, hoàng đế không có quyền hành gì:

Thực ra ông (chỉ Trịnh Kiểm) có ý định khôi phục những tỉnh đã mất, nhưng không phải để trao lại cho nhà vua, một vị vua mà ông không thấy đủ khả năng trị nước, lại sức yếu, kém tài và truỵ lạc, mà là chiếm cho mình và con cháu mình. Vì ông rất thông thạo việc nước nên ông được nể trọng và quý mến, vua thì tín nhiệm giao cho quyền cai quản không những quân binh mà tất cả công việc trị nước. Thế là quyền thống lãnh quân binh được đặt vào tay ông cùng hết các việc nước, chiến tranh cũng như hòa bình đều hoàn toàn thuộc về ông, ông cho con với sự thỏa thuận của nhà vua. Thế là theo thế lực của thông tục và của võ trang, vua trong nước chẳng còn quyền hành gì, chỉ có danh hiệu là vua, tất cả lực lượng hợp với binh đao võ bị đều ở vị tướng lãnh.
— Alexandre de Rhodes[21]

Năm 1556, Hoàng đế Trung Tông mất không có con nối. Trịnh Kiểm lúc đó bàn với các đại thần: Nước không thể một ngày không có vua liền sai người tìm con cháu họ Lê[22], tìm được cháu 4 đời của ông Lê Trừ (anh trai vua Lê Thái Tổ) ở làng Bố Vệ huyện Đông Sơn tên là Duy Bang lên làm vua, tức là Lê Anh Tông[23].[24]

Lúc Trịnh Kiểm nắm quyền, triều Lê trung hưng chỉ mở hai khoa thi Nho học vào năm 1554 và 1565. Về ngạch binh, Trịnh Kiểm đặt ngạch quân theo quy chế cũ, đặt Đô đốc 5 phủ, lại đặt quân dinh năm khuông, dinh chia ra cơ đội thứ bậc khác nhau, chỉ lấy quân ở hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An.[25]

Trịnh Kiểm bình định đất Thuận Quảng và trao quyền cho Nguyễn Hoàng

Năm 1554, Trịnh Kiểm dời hành dinh của vua Lê đến Biện Thượng[26]. Trịnh Kiểm cho rằng lúc này sĩ khí đang lên, bèn sai các tướng xuất quân bình định đất Hóa châu ở phía Nam. Đất Hóa châu do tướng Mạc là Viên Đàm bá Hoàng Bôi chiếm giữ, quân Nam triều giết Hoàng Bôi, bình định đất Hóa châu, tức hai xứ Thuận, Quảng. Thái sư Trịnh Kiểm thu thập các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên.[27]

Tháng mười năm 1558, Trịnh Kiểm dâng biểu tấu Hoàng đế Anh Tông về chiến lược đánh Nhà Mạc, Trịnh Kiểm muốn yên một mặt để dốc sức chống lại Nhà Mạc:

Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, buổi đầu, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy, địa thế hiểm trở, dân khí kiên cường, lại có nhiều nguồn lợi trên rừng dưới biển, là vùng trọng yếu, không xứ nào hơn, gần đây quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo vệ, để làm một bức bình phong vững chắc...Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, là một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng khoan dung giản dị. Vậy xin bổ ông làm trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc ở miền Bắc kéo vào, và lại cùng Trấn quận công ở xứ Quảng Nam cùng làm thế cứu viện lẫn nhau...
— Trịnh Kiểm[23][28]

Hoàng đế y theo, cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sắc cho mọi việc được chuyên trách, chỉ hàng năm phải cống thuế. Tháng 3 năm 1568, trấn thủ Quảng Nam là Trấn quận công Bùi Tá Hán chết, Trịnh Kiểm chọn Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh (người Nghệ An) làm tổng binh coi giữ đất ấy. Năm 1569, vua Lê Anh Tông gia phong cho Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái Quốc Công và tôn là Thượng phụ. Đến đây quyền lực của ông bao trùm triều đình. Trịnh Kiểm tuy chưa lấy lại Đông Kinh nhưng công lao trung hưng là có đóng góp rất lớn của ông. Nhà Lê nhờ Trịnh Kiểm mới trung hưng được, mà họ Trịnh lập lên nghiệp Chúa cũng là khởi đầu tự Trịnh Kiểm vậy[29]. Tháng 9 mùa thu năm 1569, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về Thanh Hóa yết kiến nhà vua ở An Trường, rồi vào phủ Thượng tướng lạy mừng Trịnh Kiểm, hai bên tâm tình rất thân thiết[30]. Tháng 10 cùng năm, Thượng tướng Trịnh Kiểm đau nặng, xin trí sĩ, cho con là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối lên thay

Chiến tranh với Nhà Mạc

Năm 1546, vua Bắc triều Mạc Phúc Hải chết, người con Phúc Nguyên nối ngôi.[31] Năm 1548, vua Trang Tông mất, Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm cho lập con lớn của Trang Tông là Duy Huyên lên nối ngôi, sử gọi là Trung Tông. Lúc này Bắc triều sau cái chết của Mạc Phúc Hải, người con Phúc Nguyên lên thay, có phe khác mưu lật đổ, Phúc Nguyên bỏ chính điện ở Thăng Long, dời ra ngoại thành khiến cho trong cõi rối loạn.[18]

Năm 1550, do bị gièm pha nên viên trọng thần Bắc triều là Thái tể Phụng Quốc Công Lê Bá Ly đem toàn quân hai đạo Sơn Tây, Sơn Nam, hơn một vạn ba ngàn đến Thanh Hóa đầu hàng. Bá Ly lại viết thư dụ được nhiều mưu thần, mãnh tướng phía Bắc theo về Nam triều như Nguyễn Hữu Liêu, Đặng Huấn. Theo Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục: từ đó khí thế Ngụy Mạc suy tàn, binh sĩ Lê vương nổi tiếng.[32]

Năm 1551, Trịnh Kiểm giao binh cho Lê Bá Ly là tướng Nhà Mạc đã về hàng đánh Sơn Nam, Vũ Văn Mật đánh Tuyên Quang, rồi cùng Kiểm tụ hội ở Thăng Long. Trước khi ra quân, ông viết 1 bức thư Nôm, kêu gọi mọi người hãy nhớ đến công ơn vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) năm xưa đã đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho đất nước... để đồng lòng tôn phò vua Lê, tiêu diệt kẻ soán ngôi. Rồi cùng 3 tướng đồng loạt ra quân. Năm 1552, Trịnh Kiểm đem quân đánh dẹp miền tây nam, tướng Mạc là Nguyễn Khải Khang về hàng[33]. Sau khi chiếm thành, ông liền rút quân về Tây Đô để tránh quân Mạc huy động thêm viện binh đánh úp.

Tháng 5 tháng 1552, Trịnh Kiểm xuất quân từ Hưng Hóa qua sông Thao đến An Lạc. Ông đánh bại quân Mạc do Khiêm vương Mạc Kính Điển chỉ huy. Kế tiếp ông tiến thẳng đến Xuân canh Lâm Hạ, thắng thêm vài trận nữa. Mạc Phúc Nguyên sợ hãi, bỏ chạy ra Kim Thành. Quân Nhà Lê tiến vào Đông Kinh, mở tiệc khao thưởng tướng sĩ[34]. Quân Nhà Lê chiếm một loạt các phủ vùng Sơn Tây, Sơn Nam; bên Mạc chỉ còn hai đạo Đông, Bắc. Nguyễn Khải KhangLê Bá Ly bàn nên đón Hoàng thượng về Thăng Long, nhưng Trịnh Kiểm cho rằng Nhà Mạc hãy còn mạnh,nhân tâm cũng chưa hẳn đã hướng về Nhà Lê, nên không ký tên vào tờ biểu. Nhà vua xem tờ biểu, biết ý của Trịnh Kiểm, bèn hạ lệnh lui quân về. Mạc Phúc Nguyên nghe tin quân Nam triều rút lui, bèn sai quân truy kích ở núi Công. Nhưng Trịnh Kiểm đánh tan truy binh Mạc, rồi trở về Thanh Hóa[35].

Năm 1554, dời hành dinh đến Biện Thượng[26]. Trịnh Kiểm cho rằng lúc này sĩ khí đang lên, bèn sai các tướng xuất quân bình định đất Hóa châu ở phía Nam. Đất Hóa châu do Viên Đàm bá là Hoàng Bôi chiếm giữ, quân Nam triều giết Hoàng Bôi, bình định đất Hóa châu, tức hai xứ Thuận, Quảng. Thái sư Trịnh Kiểm thu thập các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên.[27]

Đến tháng 8, năm 1555, Bắc triều đã tập hợp quân sĩ đầy đủ, phòng thủ các nơi hiểm yếu, trong cõi tạm yên, vua Mạc Phúc Nguyên liền sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa. Lấy Thọ quận công làm tiết chế quân Nam đạo, dẫn 100 chiến thuyền làm quân tiên phong, tiến thẳng tới cửa biển Thần Phù. Sau Mạc Kính Điển hội quân đóng ở sông Đại Lại,sai Thọ quận công đóng quân ở Kim Sơn.[27] Khiêm vương Mạc Kính Điển là một đối thủ lớn của Lượng quốc công Trịnh Kiểm và phe Lê-Trịnh, như chính sử thần Lê trong Đại Việt Sử ký Toàn thư phải thừa nhận: "Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành".[36]

Trịnh Kiểm đại hội bàn với các tướng:Giặc cậy đông khinh ta, ta dùng kế mai phục đợi chúng, thế nào cũng bắt được.Bèn dặn dân hai bên bờ không được kinh động, ông tự mình cầm quân đặt phục binh trước ở núi Bạch Thạch[37] phía Bắc Sông, lại sai binh tượng hùng mạnh mai phục dưới núi Kim Sơn, lại sai Thái úy Hùng quốc công Đình Công đốc suất các tướng cũ của Nhà Mạc đầu hàng quân Nam triều là Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang,...cùng quân bản bộ mai phục ở phía nam sông. Từ núi Yên Định cho tới núi Quân An, thì sai Phạm Đốc và Nguyễn Quyện dẫn thủy quân chiếm cứ thượng lưu từ sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi để làm thế ỷ giốc. Khi quân Mạc đi quan Kim Sơn, đến chợ Ông Tập, họ vẫn tự cho hùng mạnh, không đề phòng, trong quân nổi tiếng đàn sáo ca hát, như vào chỗ không người.[38][39]

Khi đến trưa, Đinh Công và Lê Bá Ly cho nổ 7 tiếng pháo làm hiệu, tung quân ra đánh; quân và voi ngựa từ hạ lưu qua sông đánh chặn ngang vào hậu quân Nhà Mạc, thủy quân thượng lưu đánh vào mặt tiền, rồi quân bốn mặt ập vào phá tan quân Mạc. Thọ quận công phải nhảy xuống sông, bị Triều quận công Vũ Sư Thước bắt sống. Tướng Mạc là Vạn Đôn hầu cùng vài mươi tướng tá đều bị chết đuối, Kính Điển thu thập tàn quân chạy về Thăng Long. Trịnh Kiểm dâng biểu báo thắng trận lên vua Lê Trung Tông. Nhà vua sai chém Thọ quận công cùng mấy chục tướng Mạc khác ở núi Đồng Lộc.[40]

Tháng 7 năm 1557, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển lại đánh Thanh Hóa, cho các tướng Phạm Quỳnh, Phạm Dao đem quân thủy vượt biển tấn công Nghệ An. Quân thủy của Mạc Kính Điển đến sông Thần Phù và vùng Tống Sơn,[41] Nga Sơn[42] đốt quá hết cầu nổi của quân Nam triều. Trịnh Kiểm sai Thanh quận công đóng quân ở Nga Sơn, Thụy quận công đóng ở Tống Sơn, quân Nhà Mạc không tiến lên được. Trịnh Kiểm tự mình cầm quân, đi ngầm theo núi Yên Mô, tới thẳng cửa biển, phóng quân đánh vào sau lưng quân Mạc, khiến cho quân Mạc bị kẹp vào giữa. Khi giao chiến, Trịnh Kiểm sai Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ người Hoằng Hóa, làm tiên phong. Gặp thuyền của Mạc Kính Điển, Phạm Đức Kỳ nhảy vọt sang thuyền, tuốt gươm chém tên cầm dù làm hai đoạn rơi xuống sông, Kính Điển không kịp trở tay, nhảy xuống sông trốn. Quân Mạc tan vỡ, binh lính chạy vào rừng núi, quân Nam triều bắt được nhiều khí giới. Mạc Kính Điển nhảy xuống sông, bơi vào ẩn nấp ở một hang núi ở xã Trị Nội, trong ba ngày rất đói khát. Một đêm nhân có cây chuối trôi qua cửa lạch, liền ôm cây chuối, tìm lối bơi về, may có tới bến Trinh Nữ, hạt Yên Mô có người cứu nên thoát về được.[43]

Sau khi đánh bại cánh quân do Mạc Kính Điển chỉ huy, Trịnh Kiểm dùng ngay chiến thuyền của Kính Điển, chở tinh binh cắm cờ hiệu của Nhà Mạc, sai Phạm Đốc dẫn chiến thuyền tới cửa biển Đan Nhai.[44] Tướng Mạc là Phạm Quỳnh và Phạm Dao đóng ở đồn Tả Ao, hạt Nghi Xuân, trông thấy chiến thuyền, tưởng là quân mình đến tiếp ứng nên không đề phòng. Phạm Đốc thẳng tới đánh úp, khiến cho quân Mạc tan vỡ, hai tướng bỏ thuyền chạy về Bắc.[45]

Tháng 9 ÂL năm 1557, Trịnh Kiểm dẫn 5 vạn quân bắc phạt[46] đánh ra trung lộ Sơn Nam, đến sông Phượng Si làm cầu nổi qua sông, tiến đánh phá quân Bắc triều, bắt sống được tướng Mạc là Khánh quốc công. Quân đi đến đâu cũng không đụng đến của cải của dân, Nhân dân đều mến phục, đua nhau đem rượu, gạo, trâu bò, lương thực, đến cung cấp cho quân[47]. Quân Trịnh Kiểm chiếm giữ hạ lộ Sơn Nam, tiến đến hạt Giao Thủy, họ Mạc liền sai Nguyễn Quyện đem quân chống cự. Gia đình Nguyễn Quyện trước phục vụ cho Nhà Mạc, sau đầu hàng Trịnh Kiểm, rồi lại theo về Nhà Mạc, nên biết rõ tình hình quân Nam triều. Trịnh Kiểm biết vậy, tức giận, tự mình thống lĩnh bộ binh, sai Phạm Đốc chỉ huy thủy binh, sai Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ làm tiên phong dẫn thủy binh tấn công. Nguyễn Quyện và Phạm Đức Kỳ giao chiến kịch liệt, Đức Kỳ vươn mình nhảy sang thuyền Nguyễn Quyện, Quyện xông ra chém, Đức Kỳ nhảy xuống nước. Quyện nhảy sang thuyền Đức Kỳ chém người cầm lọng, rồi hô to lên rằng:Đã chém đầu Vũ Lăng hầu đây rồi. Chúng mày sao địch nổi ta. Quân Trịnh Kiểm nghe vậy, tan vỡ, bỏ thuyền chạy lên bờ. Trịnh Kiểm sai thu quân trở về, sai Hoàng Đình Ái chặn hậu. Nhưng quân Nhà Mạc chặn mất lối về, quân Trịnh Kiểm phải hết sức vất vả chiến đấu, mới qua được, mất vài chục tướng, thuyền mảng khí giới phải bỏ hết. Từ đây Sơn Nam lại thuộc về Nhà Mạc.[48]

Tháng 9, năm 1558, Trịnh Kiểm lại xuất quân ra đánh thượng lộ xứ Sơn Nam, kinh lược vài huyện rồi trở về, lưu Thái úy Nguyễn Khải Khang ở lại trấn thủ và chiêu tập dân địa phương. Đà quận công Mạc Ngọc Liễn, là cháu gọi Nguyễn Khải Khang bằng cậu, sai thổ dân ở Mỹ Lương trá hàng, rồi lừa bắt Khải Khang giải về triều Mạc, bị xé xác. Tháng 10 năm đó, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê về chiến lược đánh Nhà Mạc, ông tâu lên vua Lê đại ý rằng: Thuận Hóa ngày trước là kho tinh binh, Lê Thái Tổ dùng lính ấy mà định thiên hạ, địa hình hiểm trở, nhiều nguồn lợi trên rừng, dưới biển, về phương diện trọng yếu không có xứ nào có thể hơn. Vậy nên hết sức giữ gìn, để làm như một bức bình phong vững chắc. Còn như lối đường tự xứ Nghệ An vào, thì vì đường thủy đường bộ xa cách, có thể khỏi phải để ý lo ngại. Duy từ Hải Dương và xứ Quảng Yên, khi nhân thuận chiều gió Nam, giặc phóng thuyền ra biển, thì chỉ vài ngày có thể đến địa phận, sợ binh triều Mạc dễ thừa cơ xâm lược bằng nẻo đường này, nên cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ này. Thuận Hóa yên rồi, chúng ta bắt đầu kinh lý xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây, rồi thứ đến khôi phục Kinh đô cũ, nghiệp đế có thể thành công. Vua Lê Anh Tông đồng ý, từ đó Nguyễn Hoàng dẫn con em Thanh Nghệ tiến vào cai trị xứ Thuận Hóa, quân Mạc không vượt biển bằng đường thủy nhòm ngó Thuận Hóa nữa.[28]

Thời gian này Trịnh Kiểm tích cực vỗ trị quân dân, luyện tập tướng sĩ, thu dụng nhân tài, tích trữ khí giới lương thực để chuẩn bị một trận đánh đại quy mô nhằm thống nhất quốc gia. Ông bàn với các tướng đại ý rằng: Quân Nam triều thường đi qua lộ Sơn Nam, quân Mạc đem thủy bộ lục binh trấn giữ; chỉ có lộ thượng Sơn Tây, xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Tuyên Quang Nhà Mạc không phòng bị. Vậy nay nên xuất binh từ lối Thiên Quan, đi qua xứ Hưng Hóa; qua đò sông Thao, rồi đi theo chân núi, lược định hai xứ Thái Nguyên và Lạng Sơn, phủ dụ dân biên thùy, chiêu tập hào kiệt, sau mới xua quân xuống xứ Kinh Bắc, chia quân đánh vào Sơn Nam, Hải Dương, lúc ấy Nhà Mạc chỉ giữ được thành Thăng Long mà thôi. Ta chỉ lo các huyện xứ Thanh Hóa, các cửa biển đều là khen khóa cốt yếu của nội kỳ, cần canh phòng, lúc ấy đại sự sẽ thành.[49]

Vua Lê đồng ý, Trịnh Kiểm liền cử Phong quận công Trịnh Quang làm Đề đốc ngự doanh; Phù quận công Lê Chủng làm trấn thủ đạo Thanh Hoa, Trào quận công Vũ Sư Thước và An quận công Lại Thế Khanh cùng lĩnh tinh binh trấn thủ cửa biển. Tháng 9 năm 1559, Trịnh Kiểm cầm 6 vạn quân nói phao lên 12 vạn quân. Đại quân tiến từ Thiên Quan tới thượng lộ Sơn Tây, đến đâu đều không phạm của dân, người dân quy phục. Khi đến Tuyên Quang, Hưng Hóa, tướng Tây đạo là Định quận công đem quân đến hội. Định quận công được sai trấn giữ An Tây và Đại Đồng để củng cố phiên trấn và mở đường từ Thiên Quan nối liền với Hưng Hóa, Tuyên Quang, thông đến Kinh Bắc để vận tải lương thực cung cấp cho quân.[50]

Tháng 10, Trịnh Kiểm đem quân đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng dinh ở phủ Thuận An, cầm cự với quân Mạc, sau dời đến núi Tiên Du. Tháng 11, xua quân đánh phủ Khoái Châu, Hồng Châu và các huyện Siêu Loại, Văn Giang, quân Mạc bỏ chạy. Tháng 12, lại đánh phủ Khoái Châu, Hồng Châu, Nam Sách, quân Mạc tan vỡ. Đến tháng 2, năm 1560, Mạc Phúc Nguyên sai tướng giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng một dải dọc sông về phía tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang, dinh trại liền nhau, thuyền ghe san sát, ban ngày phất cờ gióng trống báo nhau, ban đêm đốt lửa làm hiệu để chống quân Nam triều. Trịnh Kiểm chia quân đi đánh Đông Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, An Đông, đều lấy được, vua Mạc phải dời ra Thanh Đàm.[51]

Trịnh Kiểm sai Hoàng Đình Ái trấn thủ Lạng Sơn, Lê Khắc Thận trấn thủ Thái Nguyên, Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang, 3 trấn này liên lạc và cứu viện lẫn nhau, sự liên lạc từ Thiên Quan tới Kinh Bắc không bị gián đoạn. Đến năm 1561, quân Nhà Mạc bị bao vây nguy cấp, có người hiến kế cho Phúc Nguyên đại ý rằng: Dùng cách cầm cự với quân Nam triều chờ cho họ hết lương là sai lầm, vì đường vận tải của họ thuận tiện, đã đóng quân hai năm nay. Chi bằng xuất kỳ bất ý đánh vào Thanh Hoa, thì họ sẽ tự rút quân về. Đó gọi là kế đánh đánh nước Ngụy để cứu nước Hàn của Tôn Tử vậy.[52]

Mạc Phúc Nguyên nghe theo kế sách ấy, liền điều Kính Điển về, cho người khác thay trấn thủ Kinh Bắc. Tháng 7 năm 1561, Mạc Kính Điển dùng thủy binh đánh vào cửa biển, hòng cướp Thanh Hóa. Các tướng Nam triều hoảng hốt, vội rút quân về giữ sách Vạn Lại; Trịnh Kiểm điều Hoàng Đình Ái đem quân về trấn thủ Thanh Hóa. Tháng 9, Kính Điển đánh vào cửa An Trường, sắp tới sách Vạn Lại, quân Nam triều dùng phục binh đánh bại quân tiên phong, Kính Điển lại nghe tin quân Hoàng Đình Ái sắp về, liền rút quân về Bắc. Trịnh Kiểm cũng rút hết quân, lui về Thanh Hóa.[53]

Năm 1564, Mạc Phúc Nguyên chết, con đích là Mạc Mậu Hợp lên thay, mới 2 tuổi, mọi việc do Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Tháng 9 năm 1565, Thái sư Trịnh Kiểm phát binh đánh ở lộ Sơn Nam, đánh đâu cũng thắng. Mạc Kính Điển lại dùng thủy binh tiến vào đánh Thanh Hóa. Kính Điển đánh bại quân Nam triều một trận lớn, Trịnh Kiểm vội dẫn quân về, Kính Điển lại rút binh về bắc. Tháng 9 năm 1566 ông lại tiến đánh các hạt Gia Viễn và Phụng Hóa rồi dẫn quân về. Mùa hạ tháng 4 năm 1568, dù đang bị bệnh, ông vẫn cố gượng ra trận, đánh phá các huyện Yên Mô, Yên Khang, Phụng Hoá, Gia Viễn, hạ lệnh thu thóc lúa rồi về.[54]